Thursday 5 June 2014

TỊNH NGỮ TRONG LÒNG BÀN TAY.

 
Buddha-wallpapers


TỊNH NGỮ TRONG LÒNG BÀN TAY.
 
* * *
Tịnh độ nơi này
“Chung trà trên tay
Di Đà một niệm
Tịnh Độ nơi này”

Câu hỏi nan giải muôn đời dành cho các nhà triết học và tôn giáo học là “Ta từ đâu sinh ra và chết sẽ đi về đâu?”. Những ai muốn biết được đáp án chính xác cho câu hỏi trên thì người ấy phải đứng ngoài vòng sinh tử luân hồi. Đạo Phật ra đời và tồn tại đến ngày nay là để vạch ra con đường giúp mọi người thoát ly sinh tử.
Làm cách nào mới có thể thoát khỏi biển sinh tử? Phải đoạn tận phiền não. Như vậy có phải là quá khó chăng? Đúng là rất gian nan, tất cả các pháp môn của Phật nói đều phải đoạn hết phiền não mới rời xa được luân hồi. Nói như vậy không phải không có ngoại lệ, Tịnh Độ tông là con đường duy nhất có thể giúp người chưa đoạn hết phiền não mà vẫn có thể thoát khỏi sáu đường sinh tử.
Hành giả Tịnh Độ tông chỉ cần dùng lòng tin kiên cố mà nắm giữ câu hồng danh A Di Đà Phật trong lòng thì nhất định sinh sang thế giới của Phật A Di Đà. Hàng ngày duy trì niệm A Di Đà liên tục, không gián đoạn thì tâm hành giả được tịnh, niệm tịnh tồn tại thường trực trong lòng thì phiền não không còn cơ hội phát sinh. Lâu ngày phiền não bị cô lập và không phát huy tác dụng của nó nữa, nói một cách dễ hiểu là phiền não được “ngủ yên”, như vậy gọi là phục phiền não.
Người phục phiền não đối cảnh thuận không đam mê, gặp cảnh nghịch không sân hận. Đó là biểu hiện dễ thấy nhất. Nếu chạm phải tám gió (lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc) mà còn khởi tham, sân, si thì chưa gọi là phục phiền não.
Không có pháp môn nào như Tịnh độ, chỉ đạt ở mức độ phục phiền não mà có thể thoát ly sinh tử. Buông mọi việc xuống, một câu A Di Đà là đến bến giác.
“Buông bỏ muôn duyên
Di Đà một niệm
Trăng ghé am thiền”.

“Buông bỏ muôn duyên, một lòng niệm Phật”
“Buông bỏ muôn duyên, một lòng niệm Phật”. Phải hiểu câu này như thế nào mới đúng? Cuộc sống của chúng ta phải gắn liền với hoạt động xã hội, không thể quay lưng với công việc, nếu dừng tất cả công việc thì lấy chi để nuôi thân? Vậy thì làm sao buông bỏ muôn duyên, làm sao vô sự mà niệm Phật?
Vô sự ở đây, không có nghĩa là dừng tất cả công việc và không làm gì hết. Hàng ngày chúng ta vẫn phải làm để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình mình, vô sự là vô sự nơi tâm. Phật và chư Tổ sư khuyên hành giả Tịnh môn vô sự nơi lòng chứ không bảo mọi người đình chỉ công việc.
Trên thực tế, thân hoạt động nhiều thì tâm sẽ phan duyên và rong ruổi theo sáu trần, khó ai hoạt động mà không như vậy, chính vì thế chúng ta mới phải công phu, mới phải học cách sống theo công việc và gìn giữ tịnh niệm trong công việc.
Nếu duy trì được tịnh niệm liên tục không gián đoạn trong sinh hoạt hàng ngày thì không có chi để bàn nữa. Còn nếu không được như vậy, hành giả nên chuyên chú vào công việc mà mình đang làm, thân đang làm việc gì thì tâm trụ vào việc đó, không buông tâm ý theo việc khác, không nghĩ về chuyện quá khứ, không toan tính chuyện ở tương lai. Đó gọi là chính niệm. Sau khi công việc kết thúc thì đề khởi câu A Di Đà Phật.
Với người hành thâm pháp môn Tịnh độ, họ có thể vừa công tác vừa gìn giữ câu hồng danh A Di Đà xuyên suốt mà không gặp chướng ngại nào, không một vọng tưởng nào có thể xen vào dòng tịnh niệm ấy. Người mới bước đầu hành trì thì việc dụng tâm sẽ gian nan hơn, vọng niệm dễ sinh khởi và phá vỡ dòng chảy của tịnh niệm nhưng chỉ cần nhẫn nại thì trải qua thời gian sẽ được thuần thục, tâm ý sẽ dần được chuyển hóa.
Hành giả nên gìn giữ tịnh niệm trong công tác hàng ngày, đừng để kết thúc mọi việc mới bắt đầu công phu. Và một điều đáng lưu tâm nữa là học cách buông bỏ mọi việc khỏi lòng mình, không nên vướng mắc quá nhiều vào trần cảnh, càng bám víu vào trần cảnh thì càng khó gìn giữ và duy trì niệm A Di Đà nơi tâm.
Tịnh niệm và vọng niệm tuy hai mà một, ý rong ruổi theo duyên trần là mê là vọng, tâm an trụ vào câu A Di Đà Phật là giác là tịnh. Hãy để lòng vô sự mà đề khởi hồng danh, để câu A Di Đà Phật thực sự được rót thẳng vào bản tâm thanh tịnh của chính mình. Xin nhẫn nại và tinh tấn!
Đới nghiệp vãng sinh
Cụm từ này dành riêng cho Tịnh Độ tông, còn tất cả các pháp môn khác thì không có trường hợp này. Nói dễ hiểu, “đới nghiệp vãng sinh” là còn nghiệp chướng nhưng vẫn có thể xuất ly sinh tử luân hồi, sinh sang thế giới Cực Lạc.
Đây là điều rất hy hữu và chưa từng xảy ra đối với hành giả tu các pháp môn khác. Nhưng người tu niệm Phật cần phải hiểu rõ nghĩa lý của bốn chữ này, nếu không hành trình tiến về Cực Lạc của chúng ta sẽ bị ngưng trệ, thậm chí có thể không được vãng sinh.
“Nghiệp” - nói đủ là nghiệp chướng.
Nghiệp là những điều tạo tác từ thân – miệng – ý, những thứ ấy ngăn trở bản tính sáng suốt của ta. Chướng là những phiền não là ngăn ngại, cản trở đường đến Niết-bàn, Bồ-đề.
Muốn thoát ly luân hồi thì phải “nghiệp tận, tình không”. Đó là cách thức tu hành thông thường của tất cả các pháp môn. Vì nhận thấy đoạn hết nghiệp chướng trong một đời là vấn đề quá khó nên Tịnh độ vạch ra con đường phục nghiệp và mang theo chúng mà xuất ly sinh tử.
Dĩ nhiên không thể hiểu theo kiểu là hàng ngày mặc tình gây tạo ác nghiệp, bất chấp tội phước, chỉ biết mưu cầu lợi ích cá nhân, thậm chí giết vật hại người… rồi sau đó đến lúc sắp qua đời đề khởi 10 niệm A Di Đà để mang theo tất cả nghiệp ấy mà ra đi về cảnh Tây phương Cực Lạc, thọ hưởng an lành. Hành giả Tịnh môn nên chú ý:
Điều thứ nhất, người tạo ác nghiệp dù nhiều hay ít trong đời này thì đến khi sắp từ biệt cõi trần sẽ khó có thể duy trì 10 niệm A Di Đà trong chính định. Nếu như vậy thì không đạt tiêu chuẩn vãng sinh.
Điều thứ hai, mang theo nghiệp (đới nghiệp) tức là mang theo nghiệp chướng đã gây tạo trong vô lượng kiếp ở quá khứ, không chấp nhận trường hợp người ta không biết dừng việc xấu ác trong đời sống hiện tại và cũng không chấp nhận trường hợp người ý thức được điều xấu ác mà vẫn thực hành.
Điều thứ ba, nghiệp chướng mà hành giả mang theo phải được chế ngự hoàn toàn, tức là hành giả đã phục được nghiệp chướng, khống chế được chúng và chúng không có cơ hội phát huy tác dụng.
Đó là những điều kiện cần cho một hành giả Tịnh môn, người nào muốn vãng sinh thì nên đặc biệt lưu tâm đến những điều vừa trình bày trên. Tịnh độ là con đường có thể thoát ly sinh tử trong một đời nhưng điều đó không có nghĩa bất kỳ người nào niệm A Di Đà cũng đều được vãng sinh.
Nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà, đạt ra yêu cầu tối thiểu cho một người tu Tịnh độ là chỉ cần 10 niệm danh hiệu Ngài trong chính định thì Ngài hiện thân tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc (dù người đó vẫn còn nghiệp chướng). Thoát ly sinh tử mà chỉ cần 10 niệm A Di Đà trong chính định thì rõ ràng là quá “ưu đãi” cho người tu Phật rồi, nếu chẳng nhờ bi nguyện của Đức Từ phụ A Di Đà thì sao có thể hưởng được Phật đức này.
Muốn đạt được nhất tâm trong 10 niệm A Di Đà Phật thì hàng ngày hành giả phải tích lũy công đức, niệm A Di Đà đạt đến độ thuần thục, không vọng tưởng. Bên cạnh đó, hành giả cần vun bồi thiện phước, làm lợi ích cho mọi người, dẹp đi tham chấp tự ngã, chuyển hóa điều bất thiện nơi lòng mình.
Trăng tỏa lòng ta
“Một niệm Di Đà
Vơi tan trần cấu
Trăng tỏa lòng ta”.

“Một niệm A Di Đà Phật có thể diệt trừ được trọng tội trong 80 ức kiếp sinh tử”.
Câu nói này có hư dối chăng? Nếu câu này là sự thật thì tại sao hàng ngày các bạn và chúng tôi đều gìn giữ niệm A Di Đà nhưng dường như chẳng thấy tội lỗi giảm đi, nghiệp chướng được tiêu trừ, phiền não được vơi bớt mà chỉ thấy toàn điều bất an, bất như ý hiện hữu trong lòng. Hãy dùng tuệ giác suy xét để không phải hoài nghi lời của người xưa nói.
Nghiệp nhân mà chúng ta tạo ra trong vô lượng kiếp quá khứ là vô biên, nếu những nghiệp nhân ấy có hình tướng thì thái hư này không còn chỗ để dung chứa chúng. Nghiệp nhân nhiều như núi băng, công phu như đốm lửa nhỏ thì không thể một sớm một chiều mà phá tan đi được. Điều này không đồng nghĩa với phủ nhận diệu dụng của hồng danh A Di Đà mà vấn đề muốn nói ở đây là cần có thời gian hành thâm dài lâu.
Hễ là con người thì không ai không mang nghiệp nơi thân. Nhưng nghiệp tạo tác ở hiện tại thì dễ đoạn trừ, nghiệp tạo tác trong quá khứ thì rất khó phá tan, cho nên mới phải nhờ vào tha lực của Phật A Di Đà. Hồng danh A Di Đà quả thật có diệu dụng rất to lớn, nhưng thời lượng công phu hàng ngày chỉ là bước đầu khởi tu nếu đem so sánh với thời lượng trong vô lượng kiếp quá khứ gây tạo ác nghiệp thì chẳng là bao. Cho nên hành giả cần trang bị cho mình tinh thần nhẫn nại, dũng mãnh và tinh tấn nếu muốn đả phá thành trì của nghiệp chướng.
Để câu hồng danh thực sự phát huy hết diệu dụng của nó thì hành giả cần buông bỏ muôn duyên, một lòng niệm Phật. Không thể vừa đam mê tiếng tăm, lợi dưỡng của thế gian vừa mong muốn thoát ly trần lao. Khi lòng bám víu vào danh lợi, tài sắc thì dù có duy trì hồng danh A Di Đà cũng không có tác dụng an tâm huống chi là đoạn trừ nghiệp chướng.
Nghiệp như bóng tối, nó che mờ thể tính của mỗi người. Nhưng nó không có thực tính, nó là không, là huyễn mộng. Tuệ giác như ngọn đèn, có thể phá tan nghiệp chướng như căn phòng ngàn năm chìm trong bóng tối, đèn vừa thắp lên thì lập tức bóng tối ấy tan biến.
Hãy tin vào chính bản thân mình, mỗi người đều có năng lực để chuyển hóa nghiệp chướng, cộng thêm tha lực của Phật A Di Đà, nhất định sẽ đi đến thành tựu.
Tự lực và tha lực
Có hai đứa trẻ sống bằng nghề móc bọc. Một ngày nọ, trên đường về nhà, chúng thấy bên bãi rác có hai chiếc bình, trong mỗi chiếc chứa một viên minh châu nằm lẫn với bùn đất. Mỗi đứa liền giành lấy một chiếc.
Đứa trẻ thứ nhất dùng sức của mình mang chiếc bình đến bờ sông đãi bùn đất ra, nhặt lấy viên minh châu rồi ra về. Đứa trẻ thứ hai biết nó không đủ sức nên nhờ một bác phu xe bên đường chở giúp đến bến sông. Cuối cùng nó cũng lấy được viên minh châu về cho mình. Cả hai về sau trở nên giàu có, thoát khỏi cảnh nghèo cùng, đói khát.
Tự lực và tha lực của hành giả Tịnh môn cũng như vậy. Trong hiện đời, nếu tự thân đoạn trừ hết nghiệp hoặc, nhận ra “tự tính Di Đà”, “duy tâm Tịnh độ” thì lập tức bước lên ngôi Vô thượng Đẳng chính giác (như đứa trẻ thứ nhất tự mình gạn lọc bùn đất để có viên minh châu). Còn trường hợp bản thân không đủ sức để đoạn trừ nghiệp hoặc trong một đời thì phải biết nương nhờ vào tha lực của Phật A Di Đà mới mong thoát khỏi sinh tử và thành tựu quả vị bồ-đề (như đứa trẻ thứ hai phải nhờ sự trợ giúp của bác phu xe, sau đó mới tìm được viên minh châu).
Nghiệp tận, tình không thì rời xa được sinh tử luân hồi. Dù nghiệp chướng còn sót lại bằng mảy may cũng không thể ra khỏi sinh tử huống chi còn nguyên vẹn. Dùng tuệ giác để suy xét, chúng ta dễ dàng nhận thấy, trong một đời không thể đoạn hết tất cả phiền não tham, sân, si… Điều này đồng nghĩa không thể ra khỏi sinh tử trong kiếp hiện tại.
Nương vào tha lực của Phật A Di Đà để sinh sang thế giới Tịnh độ là con đường tắt, ngắn nhất để viễn ly cái khổ sinh tử trong một đời. Nói thế không có nghĩa là bản thân không nỗ lực tu hành, chỉ biết trông chờ vào tha lực của Phật.
Thực sự, Phật A Di Đà không quan tâm chúng ta còn phiền não hay đã hết phiền não, trì niệm hồng danh của Ngài nhiều hay ít, Ngài tiếp dẫn tất cả những người có lòng tin và nguyện vọng sinh sang thế giới Cực Lạc bằng quang minh của mình một cách bình đẳng, vô phân biệt.
Điều kiện cần để nhận được từ lực của Phật là phải đạt được sự trong sáng và tĩnh tại nơi tâm hồn. Nhưng ở mức độ nào? Hành giả phải phục được phiền não, tức là chế ngự phiền não, làm cho nó “ngủ yên”, không còn khả năng quấy nhiễu nữa. Rõ ràng, trên bước đường tu tập tha lực và tự lực phải song hành, trong tự lực cần có tha lực và ngược lại. Ngoài ra không thể thiếu ba điều cơ bản của pháp môn Tịnh độ là đức tin bền vững, nguyện vọng vãng sinh và trì niệm hồng danh. Nếu không đạt được tiêu chuẩn này thì con đường viễn ly sinh tử trong đời này đã khép lại.
A Di Đà Phật. Hãy thận trọng và tinh tấn!
“Không phân biệt cỏ, hoa
mưa mùa buông rải hạt
huyền diệu A Di Đà”.

Xây dựng đức tin vững bền
“Một niệm Di Đà
Đức tin bền vững
Cõi lòng nở hoa”.

Đức tin là điều then chốt của người tu Phật nói chung và của hành giả Tịnh độ nói riêng. Với hành giả Tịnh độ, nếu thiếu đức tin thì sẽ không thành tựu việc rời khỏi sinh tử, vãng sinh thế giới Cực Lạc trong đời này.
Trước hết, tin nơi bản thân mình. Mỗi người chúng ta đều có đầy đủ đức năng và tuệ giác như chư Phật, chỉ cần “đánh thức” nguồn năng lượng nhiệm mầu này thì công đức viên mãn. Phật A Di Đà có vô lượng thọ quang thì chúng ta cũng có vô lượng thọ quang nhưng chúng ta không phát huy được diệu dụng và trôi mãi trong dòng sinh tử là do chúng ta chưa đoạn trừ hết vô minh, phiền não. Từ nay, chỉ cần chuyển mê thành giác, chuyển phiền não thành bồ-đề thì lập tức bước vào Niết-bàn, bước vào Tịnh độ.
Thứ hai, tin vào bản nguyện độ sinh của Đức A Di Đà và Thích Ca Mâu Ni. Tịnh độ là cánh cửa phương tiện mầu nhiệm mà Đức Phật A Di Đà mở ra nhằm tiếp độ tất cả những người tu Phật có nguyện vọng sinh về cõi nước của Ngài. Bằng nguyện lực, bi lực và trí lực, Phật A Di Đà đã kiến thiết thành tựu thế giới Cực Lạc, nó như một hóa thành bền vững và có đầy đủ phương tiện cho những ai muốn tiến về Phật đạo. Nếu Đức Thích Ca không vì lòng từ mẫn giới thiệu về thế giới Cực Lạc thì chúng ta không cách gì biết được cõi nước của Phật A Di Đà.
Thứ ba, tin nhân quả. Tin rằng mỗi một niệm A Di Đà đều là hạt nhân trong sạch để tạo thành Phật quả. Cho dù thực hành với tâm an định hay tâm tán loạn cũng đều kết thành quả vị hoa sen ở thế giới Cực Lạc.
Thứ tư, tin sự hiện hữu của Phật A Di Đà và sự tồn tại của thế giới Cực Lạc. Bản kinh A Di Đà trình bày rất rõ, thế giới Cực Lạc tọa lạc cách thế giới Sa-bà của chúng ta 10 muôn ức Phật độ về phía Tây và người làm Giáo chủ là Đức Phật A Di Đà. Ngài đã thành Chính giác cách nay đã 10 kiếp và hiện tại đang nói pháp ở thế giới của mình.
Thứ năm, tin muôn pháp từ tâm sinh. Tâm địa chúng sinh là kho tàng chứa đựng muôn pháp, muôn pháp trong vũ trụ này đều từ tâm sinh ra, không pháp nào tồn tại ngoài tâm. Phật cũng trong tự tâm chúng sanh, tâm chúng sinh hàm chứa bản chất Phật. Vì vậy, tuy thế giới Cực Lạc là do tịnh tâm của Phật A Di Đà hiện thành nhưng lại là duy tâm Tịnh độ, là tâm địa trong sạch của mọi người, còn A Di Đà chính là thể tính sáng suốt của chúng ta.
Hướng về Tịnh độ, trì niệm hồng danh A Di Đà là hướng về tự tính, niệm tưởng tự tính. Còn sinh về thế giới Cực Lạc tức trở về tâm địa của mình chứ không phải ở đâu khác:
“Mỗi niệm thấy tính, thường hành bình đẳng thì chỉ trong khoảng khảy móng tay liền thấy Đức A Di Đà… Ngộ được pháp vô sinh tức đến Tây Phương Cực Lạc”. (Lục Tổ đàn kinh)
 Đức tin cần phải được xây dựng trên nền tảng năm điều vừa kể trên. Đây là yếu tố quan trọng thứ nhất quyết định thành tựu việc vãng sinh. Về mặt lý luận, phân chia thành từng phần nhưng trên thực tế chỉ có duy nhất một đức tin mà thôi.
Phát khởi thệ nguyện
Phát khởi thệ nguyện là bước tiếp theo sau khi đã xây dựng niềm tin bền vững. Với thệ nguyện rộng lớn, Phật A Di Đà đã kiến thiết thế giới Cực Lạc nhằm tiếp đón mọi người về đất nước của Ngài, nhưng nếu hành giả không phát thệ cầu sinh về đó thì nhất định chẳng thể vãng sinh, dù niềm tin bền vững tột cùng. Trách nhiệm này không thuộc về Phật A Di Đà mà do bản thân hành giả không chịu kết nối tịnh duyên với Phật.
Thí dụ, có hai mẹ con trên đường hành hương bị lạc nhau. Người mẹ vì thương nhớ con thơ nên ra sức tìm kiếm và hàng ngày dõi theo thông tin về con. Còn người con thì không có ý định tìm lại và quay về với mẹ. Vậy thì họ có cơ hội gặp lại nhau chăng? Chắc chắn không. 
Nhân duyên của hành giả và Phật A Di Đà cũng sẽ như vậy nếu hành giả không phát thệ nguyện vãng sinh Tịnh độ. Lòng từ bi của Phật là vô duyên đại từ – tình thương yêu không vụ lợi như tình mẹ dành cho con nhưng đức từ bi ấy sẽ mất tác dụng với những kẻ chẳng chịu kết duyên.
Bên cạnh đó, thệ nguyện phải được xây dựng trên sự chân thành của trái tim chứ không phải đọc suông ngoài cửa miệng: “Nguyện sinh Tây phương Tịnh độ trung”. Sự chân thành là điểm then chốt của thệ nguyện, thệ nguyện chứa đựng sự chân thành rồi thì dù có phát ra lời hay không đọc thành tiếng cũng vẫn phát huy diệu dụng. Còn thệ nguyện thiếu vắng sự thành khẩn thì đọc ngàn muôn lần câu kinh trên vẫn không cảm ứng được quang minh của Phật.
Chân thành là yếu tố dẫn đến nhất tâm bất loạn. Muốn thệ nguyện được chân thành thì hành giả phải phát sinh hai trạng thái tâm lý nhàm chán và ham thích. Đối tượng của nhàm chán là thế giới Sa-bà, còn đối tượng của ham thích là thế giới Cực Lạc. Phải thực sự không còn ham thích năm thứ của cải, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ ở thế gian này mới có thể vãng sinh. Còn ham thích, vướng mắc một phần trần lao thì cơ duyên về Tịnh độ sẽ bị ngăn chặn một phần.
Để dẹp bỏ lòng đam mê trần tục, hành giả phải ý thức rằng tất cả những gì ở thế gian này từ tình cảm cho đến vật chất đều là huyễn mộng, hư ảo, chúng tồn tại trước mắt nhưng cũng sẽ tan biến tức thì, hạnh phúc thế gian chỉ là giả tạm, không vĩnh hằng. Ngược lại, thế giới Cực Lạc không có cái khổ của sinh già bịnh chết, yêu thương bị chia lìa, oán ghét thường gặp mặt, năm ấm bất hòa… và những điều khổ đau từ hoàn cảnh chung quanh mang lại.
Như vậy, khi buông bỏ muôn duyên thì thệ nguyện được chân thành. Đức tin và thệ nguyện thành tựu thì nhất định được vãng sinh.
Tất cả những điều trình bày trên thực sự không dễ dàng làm theo, có làm thì cũng chưa chắc thành tựu trong một sớm một chiều. Cho nên cần phải nỗ lực và nhẫn nại, vì mục đích đoạn tuyệt sinh tử, an trụ Niết-bàn trong đời này mà kiên trì buông bỏ muôn duyên, vững lòng tiến bước.
Tiến xa hơn nữa, pháp môn niệm Phật là pháp môn đưa tới quả vị bất thối bước lên Vô thượng Bồ-đề nên hành giả cần phát Bồ-đề tâm, nguyện độ hết tất cả chúng sinh khỏi sinh tử luân hồi. Hành giả có phát lòng Bồ-đề thì mới viên mãn hạnh nguyện của mình và mới thật sự bước đúng con đường mà Đức Thích Ca đã khổ công chỉ dạy bằng phương tiện Tịnh độ.
“Một niệm Di Đà
Chân thành thệ nguyện
Tịnh độ lòng ta”.

Sự lý hành trì
Sự hành trì
Sự hành trì là phương pháp niệm Phật theo hình thức bên ngoài, đây là cách hành trì của phái Duy Danh, đại diện cho Hiển giáo và Tục đế. Nói một cách cụ thể, miệng xưng tụng hồng danh A Di Đà, ý thức dừng mọi hoạt động, chỉ chuyên chú vào câu A Di Đà và chẳng cần quán tưởng điều chi khác.
Điểm then chốt trong sự hành trì là tín tâm và chân thành tâm, thiếu vắng hai thứ này thì không thành tựu việc vãng sinh thế giới Cực Lạc. Trước hết là xây dựng niềm tin bền vững và thệ nguyện chân thành; tiếp theo là hạ thủ công phu, buông bỏ ký ức, cảm thọ, tạp ngữ và tạp tưởng, đề khởi Phật danh, một đường thẳng tiến.
Lý hành trì
Lý hành trì là phương pháp niệm Phật có sự tham gia quán chiếu (tuệ giác), đây là cách hành trì của phái Duy Niệm, đại diện cho Mật giáo và Chân đế. Cách thức thực hành cụ thể là quán tưởng niệm Phật.
Hành giả tu theo cách thức này phải thông đạt cơ sở lý luận của Tịnh Độ tông, tức hiểu rõ ba bộ kinh nòng cốt của Tịnh độ là kinh A Di Đà, Vô lượng thọ Quán vô lượng thọ. Ngoài ra, còn phải nắm rõ nghĩa lý phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện trong kinh Hoa Nghiêm và chương Đại Thế Chí bồ-tát niệm Phật viên thông trong kinh Lăng Nghiêm vì hai chương phẩm này có liên quan đến pháp môn Tịnh độ.
Khi hiểu rõ lý luận rồi mới khởi tu, hành giả tu theo cách này, xem niệm Phật là một phương tiện huyền diệu để tịnh hóa tâm hồn, hồi vãng Phật tính chứ không phải nguyện cầu sinh sang Tịnh độ của Phật A Di Đà. Dùng hồng danh A Di Đà và quán tưởng chính báo, y báo của Cực Lạc để chuyển hóa phiền não, đoạn trừ tham sân si, gạn lọc cõi lòng trở nên trong sạch, trở về với tuệ giác, với tri kiến Phật của mình.
Mục đích của hành giả thực hành theo sự niệm Phật là nguyện cầu vãng sinh thế giới Tây phương Cực Lạc. Đây là lối tu của người chưa thông đạt lý tính Tịnh độ, còn cho rằng Tịnh độ Tây phương của Phật A Di Đà tồn tại ngoài bản tâm thanh tịnh của mình, còn vướng mắc vào đối đãi nhị biên, thấy có chủ thể niệm Phật và khách thể được xưng danh, có người tiếp độ và kẻ được tiếp độ vãng sinh. Sự niệm Phật nghiêng về tín ngưỡng, sùng bái, nương vào tha lực là chủ yếu.
Còn mục đích của hành giả tu theo lý niệm Phật là phản vọng hoàn chơn, trở về Di Đà tự tính, Tịnh độ duy tâm. Thông hiểu Tịnh độ Phật A Di Đà không ngoài tự tâm mà tồn tại, dung thông được tâm và pháp, bản thể và hiện tượng, chơn không và diệu hữu. Niệm Phật chính là niệm tâm và ngược lại. Lý niệm Phật nghiêng về khai mở tuệ giác, chủ yếu là phát huy nội lực cá nhân, không nương dựa vào tha lực. Có thể gọi đây là phương pháp Thiền – Tịnh song tu.
Trên là hai cách hành trì của Tịnh Độ tông, dù hành giả thực hành theo cách nào thì cũng đạt được giải thoát. Hãy buông bỏ muôn duyên, một lòng niệm Phật.
“Sự lý hai đường
Di Đà một niệm
Ô kìa, cố hương!”.

Sự lý viên dung
“Sự lý viên dung
Di Đà một niệm
Đường về mênh mông”.

Người niệm Phật dù thực hành theo sự trì danh hay lý trì danh đều gặt hái lợi ích về cho bản thân, dù mục đích của hai phương pháp có chỗ không như nhau.
Đứng ở mặt phương tiện, rõ ràng có hai cách hành trì nhưng trên góc độ cứu cánh thì chỉ một mà thôi. Hành giả cần dung thông sự và lý, không nên lựa chọn cách này loại bỏ cách kia. Trên bước đường tiến về Bảo sở, cần thoát khỏi vọng tình, vọng kiến mới mong bước vào Pháp giới nhất chơn.
Lý là kim chỉ nam, là bản đồ chỉ rõ hành trình phải đi qua; sự là đôi chân, là phương tiện để tiến bước. Chấp sự mê lý, chấp lý bỏ sự đều khiếm khuyết. Người chấp sự thì sinh tình (phiền não chướng), ngăn chặn nẻo về Niết-bàn và không hồi vãng về tự tính; kẻ chấp lý thì sinh tưởng (sở tri chướng) gây khó khăn cho đường đến Bồ-đề và đồng thời không nhận được từ lực gia hộ của Phật A Di Đà.
Trên thực tế, hành giả thực hành theo sự niệm Phật (tức không thông đạt về lý tính, chỉ một lòng niệm Phật để cầu sinh Tây phương, ngoài ra chẳng biết gì về tự tính Di Đà và duy tâm Tịnh độ) trong giai đoạn đầu có thể họ xưng danh chẳng để tâm đến việc quán tưởng về Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc, nhưng do câu hiệu A Di Đà được lặp đi lặp lại liên tục không gián đoạn, trải qua một giai đoạn nhất định việc ấy sẽ phát huy diệu dụng, ký ức về A Di Đà hình thành ngày càng sâu đậm hơn trong tâm thức của người trì danh. Hành giả từ trạng thái niệm danh hiệu trong vô thức hoặc nhận thức mờ nhạt về A Di Đà chuyển sang nhận thức tường tận về A Di Đà, tâm thức đi vào chính định, tuệ giác phát sinh liền thông đạt lý tính.
Còn thực hành theo lý niệm Phật, tuy chủ trương niệm và quán tưởng Phật để ngộ tự tính Di Đà nhưng giai đoạn ban đầu hành giả phải thực hành từ sự tướng, sau đó mới đạt được lý nhất tâm, thấy được Pháp thân.
Không nương lý thì việc hành trì dễ rơi vào tà đạo, như người đi không có bản đồ, dễ lầm đường lạc lối. Bỏ sự thì việc hành trì dễ lạc vào chấp không, như kẻ nắm được phương hướng, rành rõ đường đi mà chẳng chịu cất bước.
Tịnh hóa tâm thức là quá trình rất phức tạp và gian nan, không phải trong thời gian ngắn là thành tựu, cho nên phải biết phối hợp chặt chẽ sự và lý. Bên cạnh đó, không thể thiếu trang bị cho bản thân niềm tin bền vững, chí nguyện kiên cường, sức nhẫn nại dài lâu, có như vậy mới mong đi đến cứu cánh.
 
441-large
 HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.( BAT CHANH DAO ).THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.5/6/2014.

No comments:

Post a Comment