TRUYỀN THỌ CHÚ KHAI TRÍ HUỆ.
TRUYỀN THỌ CHÚ KHAI TRÍ HUỆ
Ban Phiên Dịch Việt Ngữ – Trường Đại Học Pháp Giới
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Vạn Phật Thánh Thành -Talmage, California
Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật, gọi tắt là Tâm Kinh, có thể khai mở trí huệ, giúp cho xa lìa điên đảo, mộng tưởng.
Kinh nói:
- Bồ Tát Quán Tự Tại, khi quán chiếu thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa, bèn soi thấy năm uẩn đều không, độ hết mọi khổ ách. Này, Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy cả. Này, Xá Lợi Tử, các pháp đều là tướng không . . .
Nếu như soi thấy được hết mọi pháp là hư ảo, là bồng bềnh, thì có thể buông bỏ hết, đạt được giải thoát.
Trong chú Thủ Lăng Nghiêm cũng có hai câu, có thể khai mở trí huệ, tới tối ngày mai tôi sẽ truyền lại cho các vị. Muốn có tiền không? Không muốn. Có câu nói: “Ngàn lượng vàng ròng không bán Đạo, tới ngả ba đường tiễn tri âm ” (Thiên lượng hoàng kim bất mại đạo, thập tự nhai đầu tống tri âm). Nếu trí huệ được khai mở thì sẽ chứng sự tự tại, hết mọi phiền não và Bồ Đề sẽ hiện ra trước mắt.
Sáu Nẻo Luân Hồi
Tại sao chúng ta điên đảo? Bởi vì không có trí huệ. Vì đâu mà bội giác hiệp trần, hiệp với trần cảnh mà quay lưng với giác ngộ? Cũng là do không có trí huệ. Vì đâu mà luân chuyển trong sáu nẻo? Lại cũng là do không có trí huệ. Bởi vậy cho nên, tu đạo phải lấy trí huệ làm đầu. Phật phải tu phước và tu huệ, phước huệ cùng tu, Ngài mới chứng bậc Vô Thượng Giác.“Chớ cho rằng điều thiện nhỏ mà không làm,” tu phước là như thế đó. “Chớ thấy điều ác nhỏ mà làm,” đó là tu huệ. “Các điều ác không làm,” đây là tu huệ. “Các điều thiện đều làm,” vậy là tu phước. Cho nên người tu đạo chớ có ham những tiện nghi nhỏ, lấy cái ít làm đầy đủ, và phải nhớ rằng tất cả đều là mộng huyễn, như bọt như ảnh, chẳng được lâu dài. Điều nhận thức cần thiết này phải hiểu cho rõ, không để cho lợi danh chốn thế tục làm cho mê mờ. Như câu: “Thấy sự tỉnh sự là xuất thế gian, thấy sự mê sự là bị trầm luân” (kiến sự tỉnh sự xuất thế gian, kiến sự mê sự đọa trầm luân), vậy nên chúng ta phải hết mực nhanh chóng vượt khỏi sáu nẻo luân hồi.
Sáu nẻo luân hồi là gì? Tức là trời, người, A Tu La, súc sanh, quỷ đói, địa ngục. Sáu nẻo tuy không giống nhau, nhưng cùng nhau luân chuyển, tuần hoàn. Thân phận chúng ta cũng như một hạt bụi trong không gian, phút chốc ở tầng trời, phút chốc làm người, phút chốc làm súc sanh, làm quỷ đói, không có gì là nhất định, không thể làm chủ được mình. Tu hành là cốt để chấm dứt sanh tử, thoát khỏi sự trói buộc của vòng luân hồi. Phước trời hưởng hết thì lại đi xuống, bởi vậy có câu:
Lục dục chư thiên cụ ngũ suy,
Tam thiền thiên thượng hữu phong tai,
Nhiệm quân tu đáo phi phi tưởng,
Bất như Tây phương quy khứ lai.
Dịch nghĩa là:
Các tầng trời dục giới có ngũ suy.
Trên trời tam thiền (của Sắc giới) có nạn gió bão.
Cho dù tu lên được tầng trời phi phi tưởng (của vô sắc giới).
Chẳng bằng đi về cõi Tây phương.
Tưởng đã ra khỏi được luân hồi, hóa ra vẫn còn bị luân chuyển, qua mấy câu châm biếm trên. Hãy tinh tấn tu hành.Con người ta chưa biết khổ, nên chưa biết tu, chớ nghĩ rằng thân phận súc sanh thì rất xa với chúng ta, kỳ thực súc sanh cũng có xương thịt như chúng ta, nếu chúng ta không chịu tu, thì chỉ thoáng qua trong nháy mắt chúng ta lại bị đọa xuống làm thú. Mỗi cá nhân có một địa ngục riêng của mình, có phiền não tức có địa ngục. Bởi vậy quý vị nên mau mau tu đạo, thoát khỏi sáu nẻo trong luân hồi thì mới giải thoát được.
Pháp sư Hằng Tại
Quý vị! “Thân người khó được nay đã được, Phật pháp khó gặp nay được nghe, Thiện tri thức khó gặp nay đã gặp,” tôi thực là may mắn có đủ cả ba điều kiện này. Nhân duyên xuất gia của tôi là do được chứng kiến sự đau đớn của mẹ tôi khi người mang bệnh, tôi cảm thấy chuyện đời vô thường, chẳng biết hướng tới đâu. Tôi không biết kiếp này làm người, rồi kiếp sau còn làm thân người nữa không? Bởi vậy năm 1979, tôi tới với Thượng Nhơn, cầu Ngài cho xuất gia. Thượng Nhơn hỏi: “Tại sao muốn xuất gia?” Tôi đáp: “Nhân thấy mẹ tôi mang bệnh đau đớn, rồi bỗng chốc ra đi, tôi cảm thấy cái khổ về sanh tử, nên phát tâm xuất gia.” Xuất gia tu đạo tức là muốn chấm dứt sanh tử, ra khỏi tam giới, không còn bị vướng trong sáu nẻo của vòng luân hồi nữa.Pháp sư Hằng Đoan
Lần ấy là lần đầu tiên tôi đến Hương Cảng, một nơi có cái tên rất đẹp là “Hòn ngọc phương Đông.” Nhìn thấy quang cảnh, nào người, nào xe cộ đông đảo, chen chúc, nhất định là cuộc sanh hoạt trên đảo này rất là khẩn trương, không giống như tại đất Mỹ rộng lớn, ở đó tương đối mọi người sống nhàn tản và tự tại hơn. Nhưng, một khi đã cư ngụ trên đảo này, và muốn cho tinh thần được thơ thới, tâm tình an định thì có một biện pháp là niệm danh hiệu các Bồ Tát, như niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, hay Nam Mô A Di Đà Phật. Nguyên do là niệm danh hiệu Phật, có thể tiêu trừ nghiệp ác, trừ các bệnh hiểm nghèo, hoặc các sự việc chẳng được xứng ý và tăng trưởng căn lành của chúng ta. Cũng giống như trường hợp của tôi, năm 1978 lần đầu tiên tôi đến Vạn Phật Thành để dự thất Quán Âm, Thượng Nhơn bảo tôi thường xuyên niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, nên từ hồi đó, tôi tùy duyên tập cho mình niệm danh hiệu của Ngài Quán Âm, lúc lái xe, lúc đi bộ, khi thì tôi tụng chú Đại Bi. Tôi tin rằng chỉ cần chúng ta thành tâm tha thiết trì tụng, thì Phật và chư vị Bồ Tát sẽ thường xuyên ở bên cạnh giúp đỡ chúng ta, để chúng ta gặp vạn sự như ý, thân tâm thơ thới!Bảy Bồ Đề Giác Tri
Bổn thân người học Phật pháp phải có đủ chánh tri, chánh kiến. Có chánh tri chánh kiến thì mới biết tu hành cách nào. Có được pháp môn chánh xác mới có được pháp mạch chánh xác, bởi vậy trước hết quý vị phải hiểu thế nào là bẩy Bồ Đề giác tri.Giác tri phần: Giác tri tức là hiểu rõ đường lối tu hành như thế nào.
1. Trạch pháp giác tri: Phải biết cái nào là chánh, cái nào là tà, cái nào là tốt, cái nào là xấu, phải có con mắt chọn lựa, mới không lạc vào đường rẽ. Nếu không biết chọn lựa tất dễ bị dẫn tới những ngõ ngách quanh co, tìm không ra lối, cho nên trạch pháp giác tri là quan trọng vô cùng. Muốn biết cách chọn lựa sao cho chính xác, tất phải có trí huệ, còn không thì cứ chọn đi chọn lại, mà vẫn còn sai lầm. Sai lầm vì không có trí huệ, vì thiếu cái trí huệ chọn pháp. Không biết chọn thì rất dễ đi vào đường rẽ.
2. Tinh tấn giác tri: Nếu hiểu rõ Phật pháp mà lại gạt nó qua một bên không chịu dụng công tu hành thì có khác chi suốt ngày nói ăn mà chưa hề thực sự nếm mùi pháp vị. Giác tri này nói về sự tinh tấn. Như quý vị đã biết chọn pháp, nắm được pháp yếu một cách chính xác, lại tinh tấn tu hành, ngày đêm sáu thời thân tâm dụng công, không lười biếng; thân tinh tấn tức là niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh, lễ sám v.v.., tâm tinh tấn tức là thường xuyên niệm niệm không quên, không khởi vọng tưởng.
Biết cách chọn chánh pháp, mới tránh được tình trạng tu mù. Tu mù mà không gặp Thiện tri thức chỉ bảo, thì kết quả đường Phật không đi mà đi về địa ngục, tưởng là theo đạo Bồ Tát mà thành theo ma đạo. Tại sao mà nghiêm trọng đến thế? Bởi tri kiến không chánh đáng, sai lầm nhân quả, nên càng tu càng đi xa mục tiêu của mình đã vạch sẵn, nghĩa là “sai một ly, đi một dặm,” hoặc như người ta thường nói:
Mông đổng truyền mông đổng,
Nhất truyển lưỡng bất đổng,
Sư phụ hạ địa ngục,
Đồ đệ vãng lý củng.
Dịch nghĩa là:
Hồ đồ truyền kẻ hồ đồ,
Một truyền hai chẳng hiểu,
Sư phụ xuống địa ngục,
Đồ đệ cũng xuống hầu.
3. Hoan hỷ giác tri: Có được con mắt chọn pháp, ắt phải có tâm hoan hỷ gắng công tinh tấn tu hành. Chẳng phải ba hồi tinh tấn, ba hồi lại bực bội với chính mình; không nên suốt ngày phiền não, chau mày nhăn nhó, điều cần thiết là không lười biếng, biết hoan hỷ và tinh tấn dụng công.4. Trừ giác tri: Tuy nhiên tâm hoan hỷ vẫn chưa phải là cứu cánh, phải trở lại sự bình lặng trong tâm, gạt bỏ phiền não vô minh, diệt trừ các tập khí xấu. Diệt trừ xong thì tự cảm thấy nguồn pháp hỷ sung mãn.
5. Xả giác tri: Khi tâm đã trở về bình lặng, ta lại cần phải xả sự bình lặng đó, nghĩa là không chấp vào một thứ gì hết. Phải “quét sạch mọi pháp, lìa hết mọi tướng,” đạt tới cảnh giới trong thì không cảm thấy thân tâm, ngoài thì không thế giới.
6. Chánh định giác tri: Thực hiện được pháp xả xong thì mới có định lực. Có chánh định rồi mới có chánh thọ. Chánh định ở đây không phải là loại định hồ đồ, không phải là vào định vô tâm, hay là định của trời vô tưởng, cái đó không phải là rốt ráo.
7. Chánh niệm giác tri: Vào được chánh định, tâm sẽ có chánh niệm, nghĩa là niệm chánh xác. Khi có chánh niệm thì sẽ không còn bị đọa lạc, sớm tối không còn khởi lên vọng niệm, và lúc đó mới chứng được tam bất thoái: niệm bất thoái, vị bất thoái, hành bất thoái.
Nói tới định kẻ tu hành liền biết đó là thiền định, hay “thiền na,” một danh từ Phạn (dhyana) có nghĩa là “tĩnh lự,” tức là dừng lại mọi vọng tưởng, và còn gọi là “tư duy tu.” Tư duy hay là “tham,” như tham thoại đầu, tham câu “niệm Phật là ai?” hoặc tham “bổn lai diện mục từ lúc cha mẹ chưa sanh.”
Nay, tôi xin giảng về cảnh giới của tứ thiền.
1. Sơ thiền, Ly sanh hỷ lạc: Hơi thở ngưng lại. Bên ngoài không thấy có hô hấp, nhưng bên trong hô hấp còn hoạt động, đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, chỉ người tu mới có, mới biết, người ngoài không hiểu nổi. Loại thiền này lìa sự hỷ lạc của thế gian nhưng lại được pháp hỷ sung mãn, sống nhờ thiền duyệt (vui thiền) và cũng đạt được chút ít cảnh giới minh tâm kiến tánh.
2. Nhị thiền, định sanh hỷ lạc: Lạc ở đây về mức độ thì cao hơn trong cảnh sơ thiền, thiền giả luôn luôn ở trong cảnh hoan hỷ và sự hoan hỷ đó là từ ở định sanh ra. Tu đến mức này thì ở trong người kinh mạch hết khua động.
3. Tam thiền, Ly hỷ diệu lạc: Niệm trụ lại, chấm dứt niệm hoan hỷ, bởi còn hoan hỷ tức còn chấp trước. Nay thì đem cả niệm hoan hỷ trừ bỏ đi luôn.
4. Tứ thiền, Xả niệm thanh tịnh: Xả toàn bộ các niệm, không niệm gì nữa. Lúc đó trong tâm không còn gì ngăn ngại, nhưng cũng chưa phải là đã ra ngoài tam giới. Đây là một kết quả tiến bộ của công tu định, chưa phải là một cảnh giới cao, để đến độ không cần tu nữa, cho là mình đã khai ngộ mà khởi tâm kiêu mạn. Tới chỗ này rất cần có người khác chứng minh cho mình, tự mình không thể ấn chứng cho mình được. Người tu đạo phải như thế, không thể có lòng cống cao ngã mạn, nói lời hư dối, nếu không sẽ bị đọa địa ngục. Phàm kẻ học Phật không thể tạo cái nghiệp vừa thiện vừa bất thiện một cách hỗn tạp như vậy, chẳng thể mang cái ý niệm vị kỷ như vậy.
Như nếu có ai tự xưng là Thiện tri thức, chúng ta hãy lấy sáu tiêu chuẩn sau đây để phán xét xem họ có thực là Thiện tri thức hay không:
1. Quán sát người đó có lòng tham không, có tham danh, lợi, tiền tài, hay sắc dục không?
2. Thiện tri thức vốn không cùng người tranh cãi, vậy xem người đó có tâm tranh đua không?
3. Xem họ có tham cầu không? Nói năng có chân thật không?
4. Xem họ có ích kỷ không?
5. Xem họ có phải tự lợi không?
6. Xem họ có nói dối hay không?
Nếu xét các tiêu chuẩn trên đều có đầy đủ thì người đó chẳng phải là Thiện tri thức mà là ác tri thức, hoặc giả là thiên ma, ngoại đạo. Ngược lại nếu xét các điều trên đều không có thì người đó thực là chẳng tham, chẳng tranh, chẳng cầu, chẳng ích kỷ, chẳng tự lợi, chẳng nói dối, ta có thể tin rằng người đó đúng là Thiện tri thức và ta yên tâm theo học mà chẳng ngại đi vào đường tà.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.18/6/2014.
No comments:
Post a Comment