Sunday 29 April 2012

GIÁO DỤC LÀ GÌ ?


* Thích Như Điển


Chữ giáo có nghĩa là chỉ bày, nâng đỡ. Chữ dục nghĩa là mong muốn, trưởng thành. Hai chữ nầy nếu ghép đứng chung lại, có nghĩa là một vị Thầy, Cô làm nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ bày cho đoàn hậu học trong ý nghĩa là mong muốn thế hệ kế thừa tiếp nối được con đường của người xưa đã đi trên nhiều phương diện khác nhau trong phương cách sống ở cuộc đời nầy.

Nói về phạm trù giáo dục thì có quá nhiều để có thể đề cập đến. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin đơn giản trong 4 tiêu đề để hướng đến vấn đề nầy. Đó là giáo dục gia đình; giáo dục học đường; giáo dục Tôn Giáo và giáo dục những tội phạm.

A. Giáo dục gia đình:

Gia đình là nền tảng của xã hội và là nề nếp gia phong của truyền thống gia tộc. Ai trong chúng ta khi sinh ra cũng đều được dưỡng nuôi bởi cha, mẹ; hoặc những người thân. Không một đứa trẻ nào không cha, không mẹ mà thành người. Do vậy vấn đề giáo dục trong gia đình rất quan trọng. Ông Freud là nhà phân tâm học người Đức đã chia đời người ra làm 3 giai đoạn như sau:

- Giai đoạn đầu từ không tuổi đến 8 tuổi. Giai đoạn này Freud cho là giai đoạn Vô Thức. Đứa trẻ làm bất cứ một hành động nào cũng không có ý thức; nhưng do thói quen và sự huân tập của chủng tử mà thành. Trong Đạo Phật gọi đây là Vô Minh. Vì vô minh cho nên con người sinh ra trong đời nầy. Thế nhưng theo Freud, những gì đứa trẻ muốn, đa phần người mẹ không biết được ý của con mình. Ví dụ như đứa trẻ khóc la trong phòng mạch Bác sĩ, người mẹ ngỡ là nó nóng nực, nên cho ra ngoài; nhưng trên thực tế thì nó sợ sự hiện diện của người thứ ba. Nhiều khi chúng khóc vì đói; nhưng người mẹ ngỡ là nó buồn ngủ; nên cho nó đi ngủ v.v… Nghĩa là tâm lý trẻ thơ, người mẹ cũng phải cần nắm vững trong những trường hợp nầy.

- Giai đoạn thứ hai là từ 8 đến 18 tuổi. Giai đoạn nầy Freud cho rằng giai đoạn của tự ngã. Nghĩa là mỗi một đứa bé tự chứng minh cho cái ta của mình là đúng và chỉ phụ thuộc vào cái ta ấy và trưởng dưỡng cái ta ấy rất nhiều. Giai đoạn đầu và giai đoạn thứ hai nầy rất quan trọng trong vấn đề uốn nắn trẻ thơ.

- Giai đoạn thứ ba là từ 18 tuổi đến cuối đời. Giai đoạn nầy Freud gọi là giai đoạn siêu ngã. Nghĩa là cái ngã tuyệt đối ấy con người muốn bảo vệ và sống chết với nó. Thời gian nầy rất khó uốn nắn. Vì tre đã già rồi.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng, Ngài vẫn thường hay nói rằng: Ngày hôm nay Ngài có được tình thương đến với mọi người như thế nầy, không phải là tình thương yêu ấy nó đến từ Tôn Giáo của Ngài đang theo, mà nó đến từ lòng thương của bà mẹ quê, không biết chữ của Ngài, từ lúc Ngài mới lọt lòng mẹ. Như vậy sự giáo dục con trẻ từ lúc mới lọt lòng mẹ là một vấn đề vô cùng quan trọng, mà gia đình, tình thân tộc, chính là một chất liệu dưỡng sinh cao cả nhiệm mầu. Không ai có thể thay thế cái cội nguồn căn bản nầy được.

Nếu một đứa bé Phi Châu được đem qua Mỹ, Âu, Úc Châu để dạy dỗ, huấn luyện thì chắc rằng sau nầy đứa bé ấy sẽ trở thành người hữu dụng cho xã hội. Ngược lại một đứa bé Âu, Á, Úc, Mỹ Châu cho nó vào rừng để các bộ lạc tại Phi Châu dạy dỗ, thì cuộc đời của nó chỉ có đi săn thú rừng để sinh sống; ngoài ra chẳng được một sự lợi ích nào cho đời cả. Hoàn cảnh, môi trường của sự giáo dục nó đóng góp một phần rất quan trọng trong sự giáo dục của gia đình, lúc tuổi còn thơ. Nên chúng ta cần quan tâm về vấn đề nầy nhiều hơn nữa.

Tục ngữ Việt Nam có câu:

Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà“.

Mới nghe qua chúng ta thấy người đàn bà bị xử ép nhiều quá. Nhưng nhìn kỹ lại thì điều ấy không sai bao nhiêu. Vì lẽ từ khi mới sinh ra, đứa bé ấy được gần Mẹ và gần Bà nhiều hơn là gần Cha. Người cha có bổn phận lo cho đời sống kinh tế của gia đình. Cho nên trong vấn đề giáo dục của gia đình cho con trẻ ở trường hợp nầy, người cha đóng vai trò phụ thuộc. Chỉ có người mẹ mới trực tiếp lo dạy dỗ cho con mình. Cũng có một vài trường hợp khác ngược lại; nhưng „gà trống nuôi con“ thì không thể nào bằng tình của mẹ được.

B. Giáo dục học đường:

Khi đứa con lớn khôn lên, cha mẹ thường cho con đi đến trường để học chơi, học chữ rồi học làm người. Nếu kể thời gian được giáo dục ở trường cũng không phải là ít. Bậc Tiểu Học và Vườn Trẻ ít nhất là 5 đến 6 năm. Bậc Trung Học 7 hay 8 năm tùy theo từng quốc độ. Đến 18 tuổi là lứa tuổi trưởng thành, đứa trẻ ấy sẽ bước lên ngưỡng cửa của Đại Học. Có thể là 4 năm, 6 năm hay 10 năm. Tùy theo học lâu mau theo nghề nghiệp cũng như bằng cấp mà mình muốn chọn. Giữa 25 đến 30 tuổi là tuổi ra trường để cho người con trai hay người con gái ấy lập thân.

Nhưng trẻ con ngày nay học được những gì ở trường và ở Thầy Cô giáo ?

Dĩ nhiên có những Thầy, Cô giáo dạy học trò với tất cả lương tâm và chức nghiệp của mình. Đây mới đúng là ý nghĩa của sự giáo dục. Nhưng cũng nhiều nhiều Thầy, Cô chỉ làm bổn phận „gõ đầu trẻ“; đứa nào nên thì nên, đứa nào hư thì tự chúng chọn lựa. Như vậy ý nghĩa của hai chữ Sư Phạm và Giáo Dục không thể hiện trọn vẹn nơi vị Thầy, Cô ấy.

Trong khi đó cha mẹ cho con đến trường hy vọng là con mình sẽ học được những điều hay, điều tốt. Tuy nhiên có rất nhiều trường học chúng học lẫn nhau những điều xấu giữa bạn bè với nhau mà Thầy, Cô không biết hay cha mẹ không lưu tâm, là một điều sẽ khốn khổ về sau nầy không ít. Dĩ nhiên là có nhiều đứa trẻ rất dễ dạy; nhưng cũng có lắm đứa trẻ làm cho cha me, Thầy Cô nhức óc vô cùng. Đây là những đứa trẻ bất trị. Lúc nhỏ còn nghe lời chút đỉnh; nhưng khi lớn lên ở tuổi 15, 17 chúng cãi lại cha mẹ và Thầy Cô, làm cho họ cũng nãn lòng. Có nhiều trường hợp phải đưa ra để xử bằng luật pháp, quả thật là đau lòng. Trong những hoàn cảnh như vậy cha mẹ chỉ còn biết khóc than cho số phận, chứ biết nói sao bây giờ.

Nghĩa là cha mẹ đã đặt hy vọng quá nhiều ở nhà trường, mà nhà trường đôi khi chỉ làm bổn phận, chứ không làm nhiệm vụ đúng nghĩa của một Thầy, Cô giáo thì kết quả là đứa trẻ sẽ hư. Đây là do sự giáo dục thiếu căn bản ngay từ lúc đầu ở trong gia đình mà ra; chứ nó không phải là kết quả của học đường và xã hội.

Nhiều bậc cha mẹ chỉ cung phụng cho con thật là nhiều tiền và nhiều phương tiện để cho chúng đua đòi với bạn bè; nhưng đứa con ngày nay không những chỉ cần tiền của cha mẹ mà còn cần tình thương yêu, sự độ lượng, lời thăm hỏi, an ủi, vỗ về, khuyến khích v.v… nó có giá trị gấp vạn lần hơn số tiền to lớn kia. Đa phần ngày nay cha mẹ không hiểu con cái và con cái cũng không hiểu được cha mẹ. Như vậy thì mong gì ở học đường Thầy, Cô giáo hiểu được học trò và ngược lại. Khi không hiểu nhau thì dễ đem đến chỗ giận hờn nhau và đổ lỗi cho nhau. Nhưng nếu giữa cha mẹ và con cái có mối liên hệ chặt chẽ ngay từ lúc còn thơ ấu, thì gia đình ấy ít có vấn đề hơn ở học đường. Chỉ ít đi thôi, chứ không phải là không có; nhưng đó là kết quả của sự giáo dục căn bản ngay từ lúc ban đầu.

Cũng có nhiều đứa trẻ qua sự hướng dẫn của Thầy, Cô và cha mẹ, chúng tự lo cho thân của mình và tự đứng vững trong cuộc đời, chẳng cần ai bảo ban cả. Thế mà học lực vẫn tốt, hạnh kiểm không tệ lắm. Đây là cái phước của gia đình ấy. Ngược lại có những gia đình, cha mẹ là những bậc mô phạm, mà con cái vẫn hư hỏng như thường.

Từ những cái nhìn như thế, chúng ta thấy rằng: tình thương yêu, sự đùm bọc, sự chia xẻ khó khăn giữa hai thế hệ với nhau rất cần thiết trong mọi tình huống của cuộc sống. Nó không nhất thiết là những mệnh lệnh và đừng bao giờ lấy căn bản tiền bạc cũng như quyền hành để lấy đó làm chuẩn mực để nói chuyện với con cái hay học trò của mình. Đôi khi có phản ứng ngược lại là đằng khác.

C. Giáo dục Tôn Giáo:

Mãi đến ngày hôm nay, trên thế gian nầy vẫn còn sự hiện hữu của Tôn Giáo; không phải chỉ 5 Tôn Giáo lớn có mặt với đời, mà cả hàng trăm, hàng ngàn Tôn Giáo khác nhau đan xen vào trong đời sống của con người và hướng dẫn phần tâm linh cho con người để vượt qua khỏi những khó khăn trở ngại trong cuộc sống. Kể từ thời thượng cổ cho đến ngày nay Tôn Giáo đã trải qua không biết bao nhiêu thời kỳ; nhưng Tôn Giáo vẫn tồn tại. Trong khi đó nhiều thể chế chính trị của nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau đã đi vào dĩ vãng.

Vậy Tôn Giáo đã dạy những gì cho tín đồ của mình? Đa phần Tôn Giáo cũng dạy cho tín đồ của mình về thiện, ác; nhân quả báo ứng, nhân nào quả nấy; Đức tin, ở cõi nầy và cõi khác v.v… Không có Tôn Giáo nào dạy cho tín đồ của mình đi làm việc tồi bại, dở, xấu cả. Chỉ có con người làm sai lời dạy của các vị giáo chủ và đổ thừa cho Tôn Giáo ấy sai mà thôi. Trên thực tế, một người có Đức Tin chân chính thì người đó không bao giờ đi phá rối sự hòa bình, an lạc và hạnh phúc của kẻ khác.

Nếu Ấn Độ không có Ấn Giáo và qua 5.000 năm lịch sử, Ấn Độ ngày nay đâu có gì để hãnh diện với thế giới về nền văn minh tâm linh của mình. Nhiều người kết luận rằng: Dầu Ấn Độ tin theo đa thần giáo; nhưng nếu không có giáo lý của Ấn Độ Giáo ngự trị tại quốc gia đông dân nầy thì chiến tranh và bạo loạn đã xảy ra tại đây từ lâu rồi.

Ngoài ra Phật Giáo cũng đã phát triển song hành tại Ấn Độ cũng như các nước tại Á Châu. Cho nên lòng từ bi, sự khoan dung, sự tha thứ, bất bạo động v.v… là những tiêu chí mà tôn giáo nầy đã dạy cho tín đồ của mình. Cho nên nền văn hóa của Phật Giáo đã được Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam, Tây Tạng đón nhận những tinh hoa ấy một cách nhẹ nhàng, không qua bởi một sự cưỡng bách nào. Thế mà cũng đã trên 2.000 năm lịch sử rồi.

Ngày nay Phật Giáo có mặt khắp Âu Mỹ, không phải để đi cạnh tranh với các Tôn Giáo khác, mà góp phần trồng vào vườn hoa tâm linh của những quê hương mới nầy thêm những hương vị của hoa sen mang đến từ Á Châu, sánh vai với hoa hồng, hoa cẩm chướng là những tinh hoa của Thiên Chúa vốn đã ngự trị tại đây từ lâu đời rồi. Chúng ta phải nói rõ rằng: Chúng ta không có vấn đề cạnh tranh của Tôn Giáo mà chỉ là tạo thêm những nét đẹp trong vườn hoa tâm linh của các nước sở tại mà thôi.

Trung Đông và Âu Châu, nếu không có văn minh của Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo thì thế giới ngày nay chẳng biết nương vào đâu mà định giá cho việc thăng hoa tư tưởng của họ. Vì họ là người Âu Châu; nên họ biết đến Chúa trước người Á Châu chúng ta. Nếu Đức Phật giáng sinh tại Âu Mỹ thì người Âu Mỹ cũng đã theo Đạo Phật từ lâu rồi. Ở đây chúng ta không nên so sánh về giáo lý hay việc hơn thua cao thấp giữa Đạo nầy và Đạo khác, mà chúng ta chỉ nên tìm hiểu về Tôn Giáo ấy đã đóng góp được những tinh hoa gì cho dân tộc ấy là đủ rồi.

Dầu bất cứ chế độ nào, Tôn Giáo vẫn tồn tại. Vì Tôn Giáo là của người dân, chứ không phải của những người cầm quyền thống trị. Do vậy đã có nhiều chế độ chính trị bị phế thải bởi thời gian năm tháng, mà chưa có một Tôn Giáo lớn nào trong thế gian nầy bị đẩy lùi lại trong cuộc sống tinh thần của con người cả.

Phàm làm người, chúng ta có hai phạm trù để bảo vệ và phát triển. Đó là vật chất và tinh thần. Nếu đời sống vật chất của chúng ta quá sung túc, mà cuộc sống tâm linh của mình không tô bồi thì chắc rằng con người ấy, xã hội ấy sẽ bị đảo lộn. Cho nên Tôn Giáo đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống tâm linh của con người và xã hội.

Nếu một xã hội nào đó phát triển mà thiếu sự hiện diện của Tôn Giáo thì xã hội đó sẽ mất thăng bằng. Vì lẽ chính quyền không thể lo trọn vẹn vấn đề tư tưởng và đạo đức cho người dân, mà phần nầy là do Tôn Giáo đóng góp vào sự thăng tiến cho xã hội.

D. Giáo dục tội phạm:

Ở nơi nào trên quả địa cầu nầy lại chẳng có nhà tù. Vấn đề là nhà tù nhiều hay ít mà thôi. Nhưng nhà tù chỉ nhốt được thể xác của con người sai quấy, chứ không thể nhốt được tư tưởng của họ. Do đó vấn đề giáo dục tư tưởng là quan trọng hơn những loại giáo dục khác.

Sở dĩ con người phạm tội, vì con người không tự làm chủ được mình về lòng tham danh, lợi; tham tiền, tham tình, tham cờ bạc, hút sách v.v… Ở cõi nầy là cõi dục; cho nên cái gì nó cũng chỉ có tính cách tương đối và không cái gì có tính cách tuyệt đối; ngoại trừ chân lý. Đã là con người, đâu ai muốn phạm tội; nhưng lòng tham đã khiến cho con người sinh ra những tội lỗi như vậy. Vấn đề ở đây là phải ngăn chận từ cái gốc rễ sinh ra tội lỗi, chứ không phải chỉ ngăn ngừa ở ngọn ngành. Bởi vì ngọn ngành chỉ là kết quả. Còn nguyên nhân của tội lỗi đến từ đâu ?

Mỗi Tôn Giáo sẽ có một cách trả lời khác nhau; nhưng tựu chung cũng chỉ vì con người không biết tự làm chủ mình mà thôi. Ví dụ: tiền, tình, tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ v.v… là con người, ai lại chẳng đam mê. Nhưng bạn đam mê đến mức nào ? bạn có làm chủ được bạn chăng hay lòng tham làm chủ bạn ? vấn đề là ở đây. Cho nên ngày nay chúng ta thấy không thiếu những người trẻ ngồi tù, mà người già cũng không thiếu.

Vì tham lam muốn có nhiều tiền cho nên buôn bán ma túy. Chắc họ sẽ biết rằng: có một ngày nào đó họ sẽ bị sa vào lưới pháp luật; nhưng mị lực của đồng tiền họ không thể làm chủ được. Sự giàu có, hưởng thụ, quyền lực v.v… đã làm cho họ mờ mắt đi. Đây chính là những người nhẹ dạ chỉ vì tham lam, ích kỷ. Cho nên Thánh Ghandi nói rằng: „Thực phẩm trên quả địa cầu nầy không bao giờ thiếu; chỉ có lòng tham của con người không đủ mà thôi“. Như vậy tham bao nhiêu thì đủ ? Dĩ nhiên là cái tham sẽ không có cái đủ. Người nào biết đủ nó sẽ đủ; người nào klhông biết đủ, lòng tham sẽ sai khiến cho chúng ta gây nên thêm nhiều tội lỗi nữa.

Từ đó mới có tội phạm và mới có nhà tù. Nhưng sau khi cải tạo tư tưởng xong, được thả ra, nhiều người vẫn tái phạm. Vì lẽ họ vẫn không tự chủ được mình. Vậy vấn đề kiểm soát được chính mình mới là điều quan trọng và đáng nói nhất.

Ví dụ tôi buồn ngủ, tôi khổ đau, tôi hạnh phúc, tôi sầu muộn, tôi giàu có, tôi nghèo hèn v.v… tất cả những cái tôi Đại Danh Từ ấy là một chủ từ ảo; hãy đừng để cho nó sai khiến. Bởi vì cuối cùng rồi, đâu có cái gì là của tôi đâu ? Nhà cửa, xe cộ, vợ đẹp, con ngoan, tiền tài, danh vọng v.v… tất cả cũng chỉ là những hiện tượng, mà đã nói là những hiện tượng thì đâu có gì là chắc thật. Vậy tại sao chúng ta phải vin vào đó để khổ đau hoặc hạnh phúc. Tất cả chỉ là sương mai, là điện chớp, là ảo ảnh của cuộc đời. Có đó rồi mất đó và tất cả đều bị vô thường sanh diệt biến đổi. Từ lâu đài cung điện cho đến Vua chúa, Hoàng hậu… đâu có cái gì tồn tại mãi được với thời gian? Tất cả đều bị đào thải và bị lãng quên. Chỉ còn một cái không to tướng. Nhưng tại sao ta lại phải sống và chiến đấu để làm gì? - Để khỏa lấp lỗ trống không vô nghĩa ấy. Nghĩa là chúng ta bị vô minh sai sử; không làm chủ được trước tình và tiền; nên mới sa vào tội phạm.

Vậy thì cha mẹ, Thầy Cô, học đường, Tôn Giáo v.v… sẽ giúp được gì cho những người đang bị tù tội nầy ?

Vấn đề quan trọng ở đây là ý thức của cá nhân đó, chứ không phải là vấn đề của Tôn Giáo hay học đường. Ví dụ tại trường các em được học là: „không được xả rác bừa bãi nơi công cộng“. Nếu học sinh nào cũng tập theo thói quen ấy, thì nơi công cộng sẽ đẹp đẽ tự nhiên. Khi đi vào đời, các em sẽ mang tinh thần tự chủ ấy để sống cho mình, cho tha nhân và bằng hữu thì chắc rằng chính đương sự ấy và xã hội sẽ đẹp hơn nhiều. Bằng ngược lại cứ xả rác vô tội vạ; mình chẳng cần biết. Ai quét, hốt thì lo dọn; còn tôi không có bổn phận đó. Nếu lý luận như vậy thì xã hội nầy cần nhiều nhà tù hơn là trường học. Vì lẽ ý thức công dân, ý thức trách nhiệm cá nhân còn thấp kém quá. Khi ta phán đoán một dân tộc có trình độ dân trí cao, là chúng ta nhắm vào sự ý thức cá nhân của quốc gia ấy như thế nào. Do vậy vấn đề giáo dục dầu bất cứ ở hoàn cảnh hay môi trường nào đi nữa, phải là những vấn đề luôn luôn được cải tiến và sửa đổi để cho phù hợp với cuộc sống của con người.

Vua, chính phủ có thể ân xá cho tội nhân. Điều ấy do tình thương và lòng từ mà có; nhưng nếu tội nhân không ý thức, không muốn ra khỏi chỗ gông cùm xiềng xích thì Vua và chính phủ chỉ căn cứ theo luật để trị mà thôi. Nhưng luật chỉ có giá trị với những người có ý hướng sửa đổi. Còn với những người không ý thức thì luật lệ đâu có ý nghĩa gì.

Ở đây chúng tôi muốn kêu gọi ý thức của con người. „Phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó“. Đây là câu nói trong quyển „Bài học ngàn vàng“ do cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn. Nó có một chân lý tuyệt đối vĩnh viễn muôn đời. Vì chân lý bao giờ cũng là chân lý. Còn luật và lệ luôn luôn bị chi phối bởi thời gian và năm tháng; nhưng điều quan trọng vẫn là cái tâm làm chủ cho con người.

Qua những sự phân tích từ giáo dục gia đình đến học đường rồi Tôn Giáo và giáo dục tội phạm, chúng ta thấy được rằng: mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng phải có bổn phận rèn luyện, học tập, sửa đổi, cố gắng, nhẫn nại v.v… để tôi luyện cho chính mình có được sức kham nhẫn trong cuộc sống vốn đầy dẫy những nhiễu nhương và thử thách như thế nầy. Con người cũng giống như hoa sen vậy. Chúng ta tuy sống giữa cõi đời tục lụy mà không bị nhiễm bởi mùi trần mới là điều đáng quý; hoa sen, tuy mọc lên nơi bùn lầy nước đọng; nhưng khi đã thoát ra khỏi chốn bùn nhơ tục lụy thì tỏa ra những hương thơm tinh khiết, ngọt ngào. Chúng ta là con người không lẽ chúng ta không thể sánh bằng với loài hoa quân tử kia sao ?

Giọt nước nào rồi cũng chảy vào ao hồ và cuối cùng là ra biển cả. Việc thiện tuy nhỏ, có thể nhỏ hơn giọt nước kia; nhưng lâu ngày tích chứa, ở trong biển công đức ấy sẽ có sự hiện hữu của chúng ta. Do vậy chúng ta nên cố gắng làm lành, lánh dữ và đừng cho phạm vào nhiều trọng tội để chư Phật và chư Bồ Tát ít nhọc công với chúng ta ở trong nhiều kiếp luân hồi kế tiếp nữa.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH.( MHDT ).30/4/2012.

No comments:

Post a Comment