Saturday 28 April 2012

RỰC SÁNG MỘT NIỀM TIN
Thích Như Điển


Tục ngữ Nga nói rằng: “mất tiền là không mất gì hết cả, mất danh dự là mất một phần lớn của cuộc đời, kẻ nào mất hết niềm tin, kẻ ấy mới là kẻ mất hết tất cả.” Trong cuộc đời này có rất nhiều người được mà cũng lắm kẻ mất mát. Nhưng đa phần, được thì ít, mất lại nhiều.

Người xưa nói: “tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ chơn kim”. Nghĩa là: “Tiền tài như bụi đất, cái nghĩa của con người đối đãi với nhau, mới là vàng thật”. Tiền tuy khó kiếm và vàng bạc cũng thế, nhưng nếu rủi ro đánh mất những thứ này, chúng ta vẫn có thể cố gắng đi làm để kiếm tiền. Tuy nhiên trong cuộc sống này sự đối đãi giữa con người với con người còn quan trọng hơn là sự giàu có hay danh lợi. Bởi vì những sự giàu có ấy chỉ là những hiện tượng chớ không phải là thật tướng.

Danh dự khi con người sanh ra chưa có, người ta tự xây dựng danh dự của mình bằng con đường công danh, sự nghiệp, hay bằng bất cứ điều kiện nào đó để củng cố địa vị và danh dự của mình, nhưng nếu lỡ đánh mất danh dự đi rồi, người ta cũng còn đứng vững với đời, nếu người ấy có bản lãnh.

Còn niềm tin mà bị đánh mất, đó mới chính là một mất mát to lớn của một đời người. Niềm tin ấy có thể là sự tin cậy giữa hai người với nhau, giữa ông chủ và người làm, giữa thầy và trò, giữa cha mẹ và con cái cũng như giữa những người đặt trọn niềm tin của mình vào tôn giáo mình đang tin theo. Nếu những niềm tin này bị sụp đổ, niềm tin này bị xói mòn, thì niềm tin ấy khó có thể vực dậy trong thế giới đầy khổ đau và tan tác như ngày hôm nay.

Đức Phật ngày xưa đã từng dạy rằng: “Niềm tin ấy chia ra làm 3 giai đoạn và 3 mức độ khác nhau của người muốn học hỏi theo giáo lý của đạo Phật. Đó là những bậc thượng căn thượng trí, trung căn trung trí, và hạ căn hạ trí.

Thượng căn thượng trí là những người khi nghe giảng giáo lý thì hiểu liền và sau khi hiểu, những người đó liền đại ngộ. Trường hợp như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Vô Não v. v…

Trung căn trung trí là có nghe giáo lý của Chư Phật, Chư Bồ Tát giảng dạy, có hiểu được những lời giảng ấy, nhưng phải qua những ví dụ cụ thể và phải lập lại nhiều lần, kẻ ấy mới giác ngộ được giáo lý ấy.

Hạ căn hạ trí nghĩa là có nghe giáo lý, nhưng nghe rồi chẳng hiểu. Do vậy phải lập đi lập lại nhiều lần, và cứ thế nhắc nhở, khuyên bảo, khiến cho người nghe tỏ ngộ mới thôi.

Trong đời mạt pháp này đa phần chúng ta đang ở trong trường hợp thứ ba này. Tuy vẫn còn những người giác ngộ, nhưng số này không nhiều. Vì lẽ đời này Thánh Tăng cũng ít xuất hiện, đa phần là những phàm Tăng và những phàm Tăng ấy, Đức Phật ví dụ trong Đại Trí Độ luận như sau:

“Cũng giống như những túi vải rách đựng vàng ròng”. Đa phần người ta ai cũng chọn vàng ròng để nhặt lấy, chứ mấy ai dại gì mà chọn túi rách. Nhưng nếu suy cho cùng, không có những túi rách ấy thì làm sao đựng được vàng ròng kia. Vàng ấy có thể ví cho giáo lý của Chư Phật và túi rách kia ví cho Chư Tăng Ni đang hành đạo trong hiện tại.

Một thí dụ khác cũng ở trong Đại Trí Độ Luận, Đức Phật đã dạy rằng: “Có một người mù trong đêm tối cầm 1 ngọn đuốc đứng đó. Người qua kẻ lại mới cười mà bảo rằng: Người đui cần gì phải có đuốc mới thấy đường đi? Người đui trả lời rằng: sở dĩ tôi phải cầm đuốc trong đêm tối, vì muốn cho những người có mắt đi khỏi va vào người tôi”. Người đui tuy không cần đuốc, nhưng đuốc ấy cần cho người đang có mắt để đi trong đêm tối. Người đui ấy dụ cho chư Tăng Ni trong thời pháp nhược ma cường này và người có mắt ấy tượng trưng cho những chúng sanh tuy có mắt, nhưng thiếu ánh sáng trí tuệ của Chư Phật soi đường dẫn lối.

Thuở xa xưa, khi Đức Phật còn tại thế, đa phần kinh luật luận, Ngài giảng dạy cho Chư Tăng Ni nhiều hơn là các Phật tử tại gia. Vì lẽ Tăng Ni là những nhà mô phạm, sống đời thoát tục, yên ổn tu hành, có nhiều thời gian hơn. Vả lại đời sống tại gia thuở ấy, nếu không phải chỉ có việc làm phước bố thí cúng dường để được sanh thiên, thì cũng ít có cơ hội để nghe Đức Phật giảng. Ngoại trừ những bài pháp đặc biệt Đức Phật giảng cho vua chúa hay các vị cư sĩ như Kinh Duy Ma Cật, Kinh Thắng Man Phu Nhân v. v… là có chủ đích đặc biệt lưu tâm đến người cư sĩ tại gia. Về sau này ở những thế kỷ thứ nhứt, thứ hai trước và sau Tây lịch, tinh thần Phật giáo Đại thừa đã phát triển mạnh tại Ấn Độ và sau đó lan truyền qua Trung Hoa, Việt Nam v. v… thì người cư sĩ có nhiều cơ hội hơn để thính pháp và tu tập.

Chế độ Tăng già hay sự sinh hoạt theo hình thức giáo đoàn đã có từ thời Đức Phật và từ đó truyền đi khắp các châu lục về cuộc sống tịnh hạnh này. Đến Trung Hoa Tăng đoàn sinh hoạt theo chế độ nông thiền và tự lực cánh sinh. Sự tu học không còn giống như đời sống tự viện tại Ấn Độ nữa. Từ đây người Phật tử Đại thừa có cơ hội tiếp xúc với chư Tăng Ni tại các tự viện nhiều hơn và lễ vật cúng dường được mang đến chùa để dâng cúng. Sau những buổi ngọ trai hay cúng dường Trai Tăng là những thời pháp ngắn dùng để sách tấn các Phật tử tại gia. Rồi rằm, mồng một hay những khóa tu ngắn hạn bắt đầu. Từ đó người Phật tử tại gia có cơ hội gần gũi tiếp xúc với chư Tăng Ni và chùa chiền nhiều hơn nữa.

Ở Việt Nam chúng ta ngày xưa cũng thế, đa phần kinh sách bằng chữ Hán, chỉ có Chư Tăng Ni mới có thể đọc và hiểu được. Còn Phật tử đa phần là những người nông dân hay những người theo Tây học không thể nắm bắt được mạch nguồn của giáo lý nên cần phải có khóa giảng kinh do Chư Tăng Ni đảm trách và Phật tử tại gia từ đó mới có cơ hội học hỏi giáo lý nhiệm mầu của Đức Phật.

Trước năm 1975 tại những thành phố lớn ở Việt Nam mới được nghe những buổi giảng pháp công cộng như vậy. Còn thôn quê, Phật tử thiếu những duyên lành đó, vì chư Tăng Ni quá ít mà số lượng Phật tử quá đông. Họ chỉ đến chùa để cầu phước và tụng niệm vào những ngày sóc, vọng hay lễ vía Phật, Bồ Tát mà thôi. Đến đầu thế kỷ thứ 20, cố Hoà Thượng Thích Thiện Hoa, Viện Trưởng Viện Hoá Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mới soạn những quyển sách “Cây Thang Giáo Lý” và sau này Ngài tập hợp lại thành bộ Phật Học Phổ Thông từ khoá 1 cho đến khoá thứ 12. Đây là bộ sách giáo khoa căn bản cho cả cư sĩ lẫn tu sĩ, nếu ai đó muốn nắm vững giáo lý của Đạo Phật.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta đã có được hơn 2 triệu người bỏ nước ra đi, trong đó đa phần là Phật tử. Nhưng phải thành thật mà nói rằng người hiểu đạo rất ít. Do đó khi tiếp xúc với người địa phương như: người Anh, người Úc, người Mỹ, người Đức v. v… khi bị hỏi về giáo lý đạo Phật thì hầu như ít có người trả lời thông suốt. Do vậy nhu cầu học Phật lại bắt đầu. Chư Tăng Ni cũng phải năng nổ hơn, học ngoại ngữ thông thạo hơn mới mong chuyển tải giáo lý Đạo Phật cho người địa phương; Và người Phật tử tại gia cũng vậy, họ tìm hiểu sâu sắc hơn qua kinh điển tự học, hay qua những buổi giảng trực tiếp của quý Thầy, Cô tại chùa.

Rồi những khóa tu học cũng như khóa tu Bát Quan Trai một ngày một đêm, học hạnh của người xuất gia, người Phật tử tại gia quen dần với nếp sống của Thiền môn. Từ đó có nhiều người trở thành Tăng, Ni hay những Phật tử thuần thành hộ đạo, giúp đời. Phật Pháp cứ thế đi vào đời dưới những mái chùa thân thương được xây dựng tại hải ngoại từ ấy đến nay cũng đã 35 năm rồi. Trong 35 năm xa xứ ấy, người Phật tử đã kiến tạo được hơn 500 ngôi chùa lớn nhỏ và có nhiều châu lục đã “thắp sáng những niềm tin” cho Phật tử nương vào ba ngôi Tam Bảo để tu học và hành trì giáo pháp của Như Lai.

Năm nay (2010), tại Âu châu đã bước vào khóa tu học Phật Pháp lần thứ 22. Nếu kể thêm 5 năm trước đó đã được tổ chức ở chùa Khánh Anh Pháp quốc, tổng cộng là 27 khóa. Năm khóa đầu tổ chức trong một tuần lễ, mỗi lần được 30 đến 100 người tham dự. Kể từ những khóa tổ chức ngoài nước Pháp, có khi lên đến 1000 người. Họ đến từ khắp nơi của châu lục ngay cả Hoa kỳ và Úc châu. Nhiều khóa ít lắm cũng là 500 người nơi các nước đã định sẳn để đứng ra tổ chức trong vòng 10 ngày. Họ là những người trẻ, những thanh niên nam nữ, những ông cụ, bà cụ, những người công chức, bán buôn v. v… thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Họ về đây không phải chỉ có tu không, mà còn học nữa. Ngoài ra các em trẻ được chơi thể thao và các em bé đi theo ba mẹ vẫn được các anh chị em Huynh trưởng và quý Thầy Cô hướng dẫn nữa.

Ngày nay tại Âu châu có những Đạo tràng niệm Phật suốt 1 tuần lễ và mỗi lần không dưới 100 Phật tử tham dự. Điều đặc biệt là hầu như đều thuộc lòng kinh Lăng Nghiêm, ăn chay trường và thọ Bồ Tát Giới tại gia. Đây là những hình ảnh đẹp và trang nghiêm Đạo tràng. Phật Pháp nhờ vậy mà cửu trụ ở cõi Ta bà này.

Tại Hoa kỳ và Canada tuy có nhiều chùa to lớn hơn Âu châu và cũng có rất nhiều Thầy, Cô tài giỏi hơn, nhưng có lẽ vì vấn đề điều kiện địa lý quá rộng rãi của châu lục nầy, nên chưa thực hiện được những khóa tu dài hạn như tại Úc châu và Âu châu. Nếu có, đa phần là những khóa tu Bát Quan Trai một ngày một đêm mà thôi. Mong rằng Hoa kỳ và Canada nay mai cũng sẽ thực hiện được những khóa tu cho Phật tử tại gia lâu dài như thế. Được như vậy thì chẳng mong gì Phật pháp tại đây còn phát triển mạnh hơn nữa.

Úc châu, một xứ xa xôi nhất quả địa cầu này. Nơi ấy có hơn 200,000 người đến tỵ nạn cộng sản Việt Nam và tìm tự do cho lẽ sống, trong đó có tự do tôn giáo, đa phần cũng là Phật tử. Từ năm 1979 đến nay (2010), hơn 30 năm đã có hơn 50 ngôi chùa lớn nhỏ đã được xây dựng tại xứ Úc này. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan đã được hình thành và thành viên của Giáo Hội có mặt khắp nơi trên xứ Úc cũng như Tân Tây Lan. Từ Darwin đến Perth, từ Brisbane đến Sydney, từ Melbourne đến Adelaide, Canberra, Auckland v. v… nơi nào cũng có sự hiện diện của chùa chiền và Chư Tăng Ni của Giáo Hội.

Những ngôi chùa Việt tại Úc sinh hoạt cũng không khác với các chùa Việt tại Âu châu, Mỹ châu và Canada mấy. Vì lẽ đa phần chúng ta đều sinh hoạt theo truyền thống của Phật giáo đã có mặt lâu đời tại Việt Nam, nghĩa là ngày ngày 2 buổi công phu sáng chiều. Mỗi tháng sám hối hai lần và mỗi cuối tuần có lễ Phật định kỳ cũng như sinh hoạt Gia đình Phật tử. Rồi những khóa tu Bát Quan Trai, khoá tu gieo duyên tại các tự viện lại được mở ra để cho các Phật tử tại gia có cơ hội tham gia tu học.

Thế rồi vào năm 2000, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi Tân Tây Lan đã quyết định mở khóa tu học đầu tiên vào những ngày cuối năm dương lịch và năm 2010 Giáo Hội sẽ kỷ niệm 10 năm và muốn ghi lại những hình ảnh này, nên cho ra đời một tập kỷ yếu gồm những bài viết và thơ, văn mong để lại ngày mai một vài kỷ niệm mà người đi trước muốn nhắn gởi lại cho những người đến sau trên mảnh đất thân thương này.

Mùa hè của Úc thường là 36 đến 41 độ C. Khí trời oi bức, nhưng những lời pháp nhũ nhiệm mầu của Chư Tăng đã làm mát dịu những người theo tu học Phật tại các địa phương như Sydney, Canberra, Adelaide và Melbourne. Riêng địa phương Brisbane và Perth hình như quá xa và ít người, do vậy cho đến nay sau 10 khóa tu học trong vòng 5 đến 6 ngày vào thời điểm những ngày cuối năm dương lịch ấy vẫn chưa được tổ chức. Hy vọng khi mà niềm tin của người Phật tử đã được trỗi dậy và được khai thông những bế tắc trong cuộc sống hằng ngày thì dầu cho Darwin hay Alice Spring vẫn có thể tổ chức những khóa tu học Phật pháp như thế, để các Phật tử ở xa có cơ hội đi thăm thêm một địa phương nữa, mà chưa bao giờ trong đời họ đặt chân đến.

Giáo hội có Tổng Vụ Hoằng Pháp, nên quý Thầy đã có thư đề nghị gởi đến quý Thầy, Cô giáo thọ những đề tài giảng dạy cho các học viên. Mấy năm đầu các em thanh và thiếu tham gia hơi ít, nhưng những khóa thứ 8 trở đi đã có nhiều em đi theo ông bà, cha mẹ để tham dự và tu học.

Điều nổi bậc nhất của các khóa tu học Phật Pháp Úc Châu là có những buổi hội thảo và trả lời những câu hỏi của các học viên thắc mắc về giáo lý hay nhiều vấn đề khác liên quan đến Giáo Hội. Cho đến nay Giáo Hội Âu châu cũng muốn thực hiện như vậy nhưng vẫn chưa được. Giữa khóa tu còn có thêm một buổi hay một ngày niệm Phật miên mật nữa. Đây cũng là những sáng kiến hay, cần phải được duy trì.

Để đón mừng năm mới dương lịch mỗi năm qúy Thầy, Cô trẻ hướng dẫn các em, thường hay tổ chức văn nghệ và ăn uống đến khuya để các em gần gũi, trao đổi tâm tình với nhau. Đây cũng là những hình ảnh đẹp, vì tuổi trẻ bao giời cũng năng động và các em cũng được quý Thầy Cô hướng dẫn giáo lý bằng tiếng Anh kèm theo tiếng Việt.

Trong những mùa An Cư Kiết Hạ 10 ngày của chư Tăng Ni, sau đó Giáo Hội cho in ấn những đặc san nói về thành quả của việc an cư, nhưng các khóa tu học Phật Pháp không chủ trương như vậy, nên năm nay sau 10 năm tu học của các Phật tử tại gia, Giáo Hội tại Úc châu cho ấn hành một tập kỷ yếu như vậy quả là điều thật có ý nghĩa.

Sau này khi những phương tiện truyền thông đã hiện đại hơn, các buổi giảng pháp còn được trực tiếp truyền qua Paltalk để cho Phật tử khắp năm châu có cơ hội học hỏi và trao đổi với nhau, nhất là qua những câu hỏi trên Paltalk. Đồng thời những lời ca, tiếng hát qua âm nhạc Phật giáo và những âm thanh tuy chưa điêu luyện lắm vào đêm văn nghệ cuối khóa nhưng nó cũng đã giúp cho những học viên có những nụ cười hoan hỉ, rực sáng một niềm tin khi mình đã chọn cho mình được một con đường đầy hứa hẹn trước mắt là học Phật và tu Phật.

Có nhiều bậc Tôn Túc và ngay cả nhiều Phật tử ở Việt Nam nghĩ rằng: khi ra ngoại quốc Chư Tăng Ni và Phật tử lơ là trong việc tu học. Nhưng điều ấy hẳn lầm vì khi người ta xa nguồn, xa cội, con người thường có khuynh hướng bảo thủ phải giữ gìn và phát huy hơn cái gốc đã sẳn có nơi quê nhà để giữ thơm quê hương và đạo pháp.

Ngày nay tại ngoại quốc này có hơn 2 triệu tiếng nói Việt nam, hơn 1 triệu câu Phật hiệu, hơn 1 triệu con tim hướng về với giáo lý giải thoát nhiệm mầu ấy quả là một điều không thể nói khác hơn là: “Phật Pháp nhiệm mầu”.

Nhà Bác học Albert Einstein người Đức gốc Do Thái, có quốc tịch Hoa Kỳ và là cha đẻ của thuyết tương đối, ông ta sau khi nghiền ngẫm giáo lý của Đạo Phật đã đưa ra rất nhiều nhận xét, trong đó có 3 điều quan trọng như sau:

Điều thứ nhất ông ta nói rằng: “Tôi là một người không tin theo một tôn giáo nào, nhưng nếu tôi chấp nhận một tôn giáo thì đó là Phật giáo.”

Điều thứ hai ông ta cho rằng: Phật giáo không cần đi tìm nơi khoa học bất cứ một điều gì! Vì những lời dạy của đức Phật đã vượt xa hẳn những giá trị của khoa học rồi.

Điều thứ ba theo ông ta nghĩ: một tôn giáo phát triển mạnh trên hoàn vũ này kể từ thế kỷ thứ 21 trở đi, đó là Phật giáo.

Vậy chúng ta là Phật tử khi tin vào giáo lý của Đức Phật, chúng ta rất may mắn là không đi vào ngõ cụt. Vì suốt hơn 2500 năm lịch sử ấy, Phật giáo vẫn rực sáng một niềm tin và không bị mai một với thời gian và năm tháng. Đức Phật cũng đã chẳng báo hiệu cho chúng ta biết rằng: khi nào quả đất này tận diệt, nhân loại không còn hiện hữu trên cõi thế gian này nữa, mà Đức Phật chỉ quy vào cho con người có còn tôn quý nơi Tam Bảo hay không? có còn hiếu thuận với Cha Mẹ hay không? có còn vâng lời Sư trưởng giáo huấn hay không và nhất là đối với những người cùng trang lứa và người bên dưới, con người có tâm từ rải ra khắp nơi để muôn loài chúng sanh được lợi ích hay không? Thì lúc ấy chúng ta mới có thể hãnh diện về sự lợi ích và sự hiện hữu của chúng ta trên quả địa cầu này. Chẳng may ngược lại những điều trên, thì ác nghiệp chúng ta sẽ phải trả nhanh chóng hơn và quả đất này sẽ đến ngày tàn lụi.

Những khóa tu học tại Úc châu thường thường tổ chức trong những ngôi trường học hay những nhà nghỉ mát tại những vùng đồi núi rất đẹp. Học viên sống gần gũi với thiên nhiên. Có nhiều lúc thú vật như: Kangaroo, nai, bò, chim chóc v. v… vẫn luôn cận kề bên những học viên tí hon, trông thật ngoan hiền và dễ mến. Con người muốn được hoà bình, an lạc thì thú vật kia cũng muốn có một đời sống an ổn như thế. Ở đây chỉ những người hiểu đạo và trang trải tình thương đến chúng, mới có thể thể hiện được những điều ấy.

Tục ngữ Đức có câu: “Nhân tài và Bác học chỉ có một phần trăm trên thế giới này và chín mươi chín phần trăm còn lại chính là mồ hôi và nước mắt của họ”. Người học Phật cũng thế, nếu chúng ta biết dụng công miên mật thì pháp môn nào chúng ta cũng có thể thành tựu được cả. Dầu cho đó là Thiền, Tịnh, Mật v. v… vì tất cả cũng đều do Đức Phật dạy mà thôi. Chẳng qua là phương tiện nên Đức Phật đã dùng quyền và thật để độ sanh; nhưng cuối cùng rồi Ngài cũng đã dẫn dắt chúng sanh trở về Bảo Sở.

Mong rằng những khóa tu học như thế tại Úc Châu sẽ tiếp tục mãi cho đến khóa 25, khóa 50 hay nhiều hơn thế nữa để Phật Pháp có dịp thênh thang gióng lên tiếng chuông đại hùng, đại lực, đại từ bi mà lâu nay người Việt Nam cũng như người Úc Phật tử tại đây vẫn hằng mong ước.

Nguyện cầu cho Giáo Hội tại Úc Châu vẫn là ngọn hải đăng để soi sáng niềm tin cho người tại gia cũng như xuất gia luôn vững tiến trên đường Đạo.

Viết để kỷ niệm 10 năm khoá tu học Phật Pháp Úc Châu – Oklahoma tháng 4 năm 2010.
Sa Môn Thích Như Điển.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH.( MHDT ).29/4/2012.

No comments:

Post a Comment